Việc nhận diện các tranh chấp thừa kế có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho việc xác định quạn hệ tranh chấp, chủ thể của tranh chấp, đối tượng tranh chấp, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho quyền và nghĩa vụ trong quan hệ tranh chấp, cơ sở pháp lý để áp dụng và lựa chọn các phương án tốt nhất để giải quyết tranh chấp.
Trên cơ sở thực tiễn, có thể phân chia thành 05 loại tranh chấp thừa kế thường gặp sau đây:
- Tranh chấp về chia di sản thừa kế
Đây là loại tranh chấp phổ biến nhất, đối tượng của quan hệ thừa kế chủ yếu là di sản và những người thừa kế không thống nhất được cách phân chia di sản, về việc nhận di sản bằng hiện vật hay giá trị dẫn đến tranh chấp.
- Tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế
Đây là trường hợp một người muốn các thừa kế khác xác nhận mình cũng có quyền thừa kế di sản của người chết nhưng không được các thừa kế khác công nhận quyền dẫn đến tranh chấp.
- Tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế
Đây là trường hợp một người đang được quyền hưởng di sản, nhưng có một hoặc một số thừa kế cho rằng người này không có quyền hưởng di sản dẫn đến tranh chấp.
- Tranh chấp về buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản
Đây là trường hợp người chết có nghĩa vụ về tài sản chưa thanh toán hoặc các khoản chi phí cho việc quản lý di sản nhưng chưa được các thừa kế thanh toán dẫn đến tranh chấp.
- Tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán khi thanh toán nghĩa vụ của người để lại di sản
Thứ tự ưu tiên thanh toán đã được BLDS quy định cụ thể nhưng người có quyền tranh chấp với người thừa kế, người quản lý di sản trong việc thanh toán nghĩa vụ không đúng thứ tự theo quy định.
Lưu ý, các tranh chấp thừa kế thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tố tụng dân sự, do vậy cần nắm được các nguyên tắc cơ bản khi giải quyết các vụ án tranh chấp thừa kế, đây chính là 23 nguyên tắc giải quyết vụ án dân sự nói chung được quy định tại BLTTDS năm 2015 (Điều 3 đến Điều 25)./.