Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp Giấy phép lao động như sau:
- Chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
- Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
- Người nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng thực hiện chào bán dịch vụ.
- Người nước ngoài vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
- Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
- Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành viên.
- Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam
- Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy có thể thấy theo quy định của pháp luật, những trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp Giấy phép lao động sẽ rơi vào ba nhóm sau đây:
Nhóm 1: Người nước ngoài vào Việt Nam gian ngắn, để giải quyết, xử lý một số công việc.
Nhóm 2: Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để vợ chồng sau khi kết hôn được sống cùng nhau.
Nhóm 3: Các trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc quy định như trên nhằm bảo đảm thuận lợi cho người lao động nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm lợi ích chung của quốc gia./.