Pháp luật quy định UBND xã, phường nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau cư trú ở trong nước.
- Hồ sơ
Hai bên hoặc một trong hai bên nam, nữ trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Tùy thuộc tình trạng hôn nhân của mỗi bên mà phải có hồ sơ phù hợp.
Thông thường, hồ sơ chỉ có Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định). Người nộp hồ sơ phải xuất trình giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng) để cơ quan tiếp nhận kiểm tra.
Nếu bên yêu cầu đăng ký kết hôn không phải tại nơi người đó thường trú, thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (XNTTHN) do UBND xã nơi thường trú cấp. Ví dụ, anh A và chị B kết hôn tại UBND xã nơi chị B thường trú, thì anh A phải có Giấy XNTTHN do UBND xã nơi anh A thường trú cấp.
Nếu một bên đã có vợ (chồng) nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết, thì phải nộp bản sao/trích lục ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử.
Thường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy XNTTHN do Cơ quan đại diện cấp.
- Trình tự đăng ký kết hôn
Về mặt pháp lý, trình tự đăng ký kết hôn được Luật hộ tịch quy định khá đơn giản, nhằm tạo thuận lợi cho người dân.
Theo đó, ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu kiểm tra thấy các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tich ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn. Công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
- Lễ đăng ký kết hôn
Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về việc tổ chức lễ đăng ký kết hôn theo nghi thức nào. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và hoàn cảnh các gia đình mà tiến hành cho phù hợp.
Thông thường, nếu không tổ chức lễ kết hôn theo nghi thức tôn giáo (trong nhà thờ hoặc tại cơ sở tín ngưỡng), thì nghi thức kết hôn chính là thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền (trụ sở UBND).
Các đôi nam nữ phải tiến hành đăng ký kết hôn tại UBND trước, rồi sau đó mới tổ chức lễ cưới. Đăng ký kết hôn tại UBND là nghi thức hành chính dân sự do pháp luật quy định.
Khi đăng ký kết hôn, bắt buộc hai bên nam nữ đều phải có mặt để tự mình thể hiện ý chí, nguyện vọng kết hôn và ký vào Sổ đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận kết hôn. Đây là việc làm mà hai bên nam nữ phải trực tiếp thực hiện, không được ủy quyền cho người khác.
Tại buổi đăng ký kết hôn, Lãnh đạo UBND hỏi (lần cuối) các bên nam nữ có đồng ý tự nguyện kết hôn với nhau không. Nếu họ tự nguyện đồng ý kết hôn, Lãnh đạo UBND cùng các bên lần lượt ký vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Sau đó trao cho mỗi bên một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Chính quyền địa phương có thể tạo điều kiện để các bên nam nữ bố trí hoa quả, kẹo bánh và mời đại diện gia đình, bạn bè, người thân đến tham dự buổi lễ đăng ký kết hôn cho thêm phần ý nghĩa.
Thời điểm hôn nhân có hiệu lực là thời điểm các bên ký vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn./.