Thời gian tính thời điểm mở thừa kế

Pháp luật hiện hành đang đưa ra hai đơn vị thời gian là thời điểmngày để xác định mốc thời gian để từ đó di chúc được coi là có hiệu lực pháp luật. Việc không đồng nhất này đôi khi sẽ tạo sự tranh chấp giữa những người thừa kế và làm cho cơ quan có thẩm quyền khó có thể đánh giá vấn đề một cách chính xác khi có tranh chấp xảy ra.

Ví dụ:

Hai bố con A và B đang chở nhau đi trên đường thì bị tai nạn giao thông và cùng chết. A để lại di chúc cho con là B hưởng di sản của mình. Khi xác định về thời điểm chết của hai người thì có 2 ý kiến trái chiều như sau: Vợ và con của B thì cho rằng ông A chết trước anh B khoảng vài phút. Còn C và D là người cùng hàng thừa kế với B lại nói rằng B chết trước ông A vài phút.

Nếu A chết trước B, thì những người thừa kế của B sẽ được hưởng số di sản của A.

Nếu B chết trước A thì những người thừa kế của B không được hưởng di sản mà A đã định đoạt bằng di chúc cho B, và những người cùng hàng thừa kế với B sẽ hưởng số di sản của A theo pháp luật.

Trong trường hợp trên, Toà án rất khó để xác định A chết trước B hay B chết trước A. Đối với trường hợp này, pháp luật đã đưa ra quy định với việc chết cùng thời điểm.

Điều 619 BLDS 2015 quy định:

Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.

Nếu áp dụng quy định tại Điều 619 BLDS 2015 thì tại trường hợp ví dụ trên, những người thừa kế của B không được hưởng di sản mầ A để lại theo di chúc cho B vì di chúc không có hiệu lực pháp luật.

Nếu giả sử trên thực tế những người thừa kế của anh B nhìn thấy rõ ràng là A chết trước B thì bản án giải quyết vụ tranh chấp trên sẽ thiếu thuyết phục, thậm chí sẽ gây nên sự nghi ngờ, thắc mắc của đương sự đối với cơ quan xét xử, mặc dù việc giải quyết là hoàn toàn đúng pháp luật.

Chính vì vậy, nếu pháp luật quy định thời điểm chết được xác định theo ngày sẽ giảm được nhiều tranh chấp trong thực tế. Bên cạnh đó, Toà án có đầy đủ cơ sở pháp lý để xác định những người chết cách nhau ít phút, thậm chí hàng giờ nhưng trong cùng một ngày là những người chết cùng thời điểm.

Thực tiễn các BLDS của các quốc gia khác nhau trên thế giới khi xác định thời điểm mở thừa kế đều xác định theo ngày. Bên cạnh đó, truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa đến nay khi xác định thời điểm chết của một người thì cũng tính theo đơn vị ngày. Mốc thời gian được xác định theo ngày để làm tưởng nhớ, giỗ chạp người đã khuất.

Có thể thấy rằng ngay cả trường hợp có thể xác định thời điểm chết là các đơn vụ thời gian khác nhau trong trường hợp có cái chết thực tế nhưng việc xác định thời điểm mở thừa kế theo giờ, theo phút cũng không có ý nghĩa gì lớn.

Chính vì vậy, để phù hợp với thực tế cũng như thực tiễn luật pháp quốc tế, pháp luật cần phải quy định rõ ràng đơn vị thời gian tính thời điểm mở thừa kế là theo “ngày”./.

5/5 - (1 vote)