Trước năm 2017 pháp luật thừa nhận 3 loại chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Nhưng từ năm 2017 trở đi thì chủ thể quan hệ dân sự chỉ còn là cá nhân và pháp nhân.
Theo đó các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác và các tổ chức khác không còn được phép giao dịch với tư cách của chính nó nữa mà phải giao dịch với tư cách của một hoặc nhiều cá nhân là thành viên của tổ chức.
- Quy định về khách hàng cá nhân giao dịch ngân hàng
Khách hàng cá nhân giao dịch ngân hàng thông thường là những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền nghĩa vụ dân sự).
Bộ luật dân sự quy định về giao dịch của các đối tượng bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau: Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Giao dịch của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo tuyên bố của tòa án phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác. Giao dịch của người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì có thể phải có sự tham gia của người giám hộ theo quyết định của Tòa án.
Pháp luật ngân hàng quy định về giao dịch tài khoản thanh toán, gửi tiền tiết kiệm và gửi tiền có kỳ hạn với người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:
- Cá nhân là người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, mở tài khoản thanh toán, thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện theo pháp luật.
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mở tài khoản thanh toán, thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn thông qua người giám hộ.
- Việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự (trừ căn cứ vào độ tuổi) mà chỉ có thể căn cứ vào phán quyết của Tòa án. Vì vậy, khi có sự nghi ngờ về năng lực hành vi, thì cần hết sức thận trọng để tránh giao dịch bị vô hiệu.
Pháp luật ngân hàng không quy định về việc người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi được vay vốn, được mở và sử dụng thẻ ngân hàng, kể cả thẻ chính và thẻ phụ.
Khi giao dịch với ngân hàng, nếu là cá nhân thì do cá nhân quyết định việc giao dịch, nếu là một nhóm cá nhân thì phải được tất cả các thành viên trong nhóm quyết định.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã quy định: trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Tuy nhiên, quy định này chỉ có hiệu lực đối với tài khoản ngân hàng chứ không phải tất cả các tổ chức tín dụng và chỉ đối với trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, chứ không phải là tài sản do một người vợ hoặc chồng đứng tên, vì có thể là tài sản chung hoặc riêng của người khác.
Đối với người khiếm thị (nếu không phải là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi) vẫn có thể giao dịch với ngân hàng, nhưng cần phỉ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm sự chính xác, an toàn.
Việc giao dịch với người khiếm thị có thể áp dụng các quy định của pháp luật kế toán như sau: Trường hợp người khiếm thị là người mù hoàn toàn thì khi ký chứng từ kế toán phải có người sáng mắt được phân công của đơn vị phát sinh chứng từ chứng kiến. Đối với người khiếm thị không mù hoàn toàn thì thực hiện ký chứng từ kế toán như quy định chung.
Đối với giao dịch gửi tiền tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền là người không viết được, người không đọc được, người không nhìn được, tùy theo mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục gửi tiền bảo đảm việc nhận tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.
- Quy định về khách hàng chưa thành niên tham gia giao dịch ngân hàng
Người chưa thành niên vẫn có thể tham gia một số giao dịch nhất định với ngân hàng. Bộ luật dân sự quy định về việc giao dịch với người chưa thành niên, tức là chưa đủ 18 tuổi như sau:
- Người chưa đủ 6 tuổi thì giao dịch do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thưc hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, nếu chỉ xét về độ tuổi thì chỉ người chưa đủ 6 tuổi không được giao dịch nói chúng và giao dịch ngân hàng nói riêng. Còn người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì giao dịch phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Pháp luật ngân hàng quy định: khách hàng cá nhân vay vốn với độ tuổi từ đủ 15 tuổi trợ lên không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Pháp luật ngân hàng quy định về việc giao dịch gửi tiền tiết kiệm và gửi tiền có kỳ hạn đối với người chưa thành niên như sau:
- Người chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm và thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện theo pháp luật.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Giấy tờ xác minh thông tin của khách hàng gửi tiền là giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực hoặc giấy khai sinh của cá nhân chưa đủ 14 tuổi.
Như vậy, người dưới 18 tuổi, gồm cả dưới 15 tuổi và dưới 6 tuổi vẫn được phép đứng tên giao dịch ngân hàng về việc gửi tiền tiết kiệm và thông qua người đại diện để được thực hiện các giao dịch tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn.
Pháp luật ngân hàng quy định về việc giao dịch tài khoản ngân hàng đối với người chưa thành niên như sau:
- Người chưa đủ 15 tuổi và được mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật.
Việc sử dụng tài khoản thanh toán của người chưa đủ 15 tuổi phải thực hiện thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thực hiện các giao dịch ngân hàng thanh toán thông qua tài khoản thanh toán của người được giám hộ hoặc người mà mình làm đại diện theo quy định của pháp luật.
- Người chưa đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được quyền mở tài khoản thanh toán.
- Giấy tờ xác minh thông tin khách hàng là thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi), thi thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miền thị thực nhập cảnh (đối với cá nhân là người nước ngoài) cảu chủ tài khoản.
Pháp luật ngân hàng quy định về việc giao dịch ngân hàng đối với người chưa thành niên như sau:
- Người tử đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được là chủ thẻ phụ (được chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính) được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được là chủ thẻ phụ (được chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính) được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được là chủ thẻ chính, được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Có thể hiểu là tên của những người chưa đủ 18 tuổi vẫn được ghi nhận trên thẻ tiết kiệm, hợp đồng gửi tiền, tài khản ngân hàng, thẻ ngân hàng. Đối với các giao dịch ngân hàng khác của người chưa thành niên, như cầm cố tiền gửi, thế chấp tài sản hay định đoạt tài sản, bán tài sản thế chấp thuộc sở hữu riêng để trả nợ ngân hàng, chì cha mẹ hoặc người giám hộ khác là người thực hiện giao dịch hoặc là phải có sự đồng ý bằng văn bản./.