Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 với các quy định mới được kỳ vọng mang lại những biến chuyển mang tính đột phá, tạo ra những bước phát triển nhảy vọt, đồng thời đem lại khung pháp lý phù hợp với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng yêu cầu của các Điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại đã được Chính phủ Việt Nam ký kết và gia nhập trong thời gian gần đây.
Căn cứ Điều 21 Luật đầu tư năm 2020, có 05 hình thức đầu tư tại Việt Nam bao gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, có thể thấy hình thức hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công ty (PPP) không còn được quy định trong Luật đầu tư năm 2020 với lý do hình thức đầu tư PPP hiện nay được điều chỉnh bởi Luật đầu tư công năm 2019.
Một số điểm mới của Luật đầu tư năm 2020 về hình thức đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp ở các mức độ khác nhau. Cụ thể:
Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam
Điểm mới về điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Luật đầu tư năm 2020 có những điểm mới về điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam gồm:
- Bổ sung điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài
Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật đầu tư năm 2020 quy định: Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ quy định chi tiết, nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Về cơ bản, các điều kiện được đặt ra với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bao gồm:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế.
- Hình thức đầu tư.
- Phạm vi hoạt động đầu tư.
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Các điều kiện khác căn cứ vào đặc thù của từng ngành, nghề cụ thể.
Có thể thấy điều kiện bổ sung này là một trong những thách thức với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện việc đầu tư nói chung và đầu tư thông qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế nói riêng kể từ ngày 01/01/2021.
- Khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Điều kiện tiếp theo để nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật đầu tư năm 2020 là phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Như vậy, trong hai trường hợp ngoại lệ trên, nhà đầu tư nước ngoài không cần phải có dự án đầu tư hoặc thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần lưu ý 02 việc:
- Tra cứu Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường do Chính phủ ban hành;
- Đáp ứng các điều kiện cơ bản về : tỷ lệ vốn điều lệ; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư là có thể đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế.
- Nhấn mạnh địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế được thành lập mới
Khoản 2 Điều 22 Luật đầu tư năm 2020 quy định: Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Như vậy, tư cách nhà đầu tư với dự án được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập (không phải là nhà đầu tư nước ngoài đó. Do vậy, tổ chức kinh tế được thành lập là chủ thể hợp pháp thực hiện các hoạt động liên quan đến dự án đầu tư.
Một điểm cũng cần lưu ý đối với các nhà đầu tư đó là các hoạt động liên quan đến dự án đầu tư như tài chính cần tách bạch giữa nhà đầu tư và tổ chức kinh tế mới được thành lập để tránh những thiệt hại trong quá trình hoạt động về sau.
Thời điểm xác lập các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định đối với dự án đầu tư của tổ chức kinh tế mới được thành lập là thời điểm cấp Giáy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý khác có giá trị tương đương. Thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể là hai thời điểm khác nhau.
Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế mới cần xác định rõ ràng về thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động triển khai dự án đầu tư trên thực tế.
Điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư
Điểm mới về điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài. Căn cứ Khoản 22 Điều 3, Điều 23 Luật đầu tư năm 2020 thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Như vậy, theo quy định của Luật đầu tư năm 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một nhóm nhà đầu tư – bên cạnh nhóm nhà đầu tư trong nước và nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện, để xác định được áp dụng quy chế pháp lý đối với “nhà đầu tư nước ngoài” hay “nhà đầu tư trong nước”.
Các điều kiện này phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế . Luật đầu tư năm 2020 sửa đổi nội dung này theo hướng thay đổi tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế.
Cụ thể, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế được thay đổi từ 51% xuống trên 50%. Tỷ lệ này được áp dụng đối với tất cả các hình thức đầu tư bao gồm: thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác và đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Theo đó:
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng quy chế pháp lý theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi các điều kiện liên quan đến tỷ lệ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đều đạt trên 50%.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng quy chế pháp lý theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi các điều kiện liên quan đến tỷ lệ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đều đạt từ 50% trở xuống.
Như vậy, quy định mới này tại Luật đầu tư năm 2020 sẽ thắt chặt hơn các hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài. Việc thay đổi tỷ lệ này đã mở rộng các đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ của nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy, tuy tỷ lệ giữa Luật đầu tư năm 2014 và Luật đầu tư năm 2020 không quá chênh lệch nhưng lại có tác động không nhỏ đến quyền và lợi ích của các tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài. Chính vì vậy, từ ngày 01/01/2021, các tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài cần đặc biệt lưu ý đến quy định này, qua đó đối chiếu với thực tế của doanh nghiệp mình để có những điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư.
Điều kiện và thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn
Điểm mới về điều kiện và thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Nhà đầu tư có quyền thực hiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Khoản 2 Điều 24 Luật đầu tư năm 2020 quy định điều kiện mới để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam.
- Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam
- Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, căn cứ Điều 9 Luật đầu tư năm 2020.
Chính phủ sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Ngoài những ngành nghề nằm trong Danh mục này thì các nhà đầu tư nước ngoài đều được phép góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp vào các tổ chức kinh tế khác. Đến thời điểm bài viết này, Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đang dừng ở dự thảo, chưa được chính thức thông qua nên các nhà đầu tư cần đợi văn bản pháp lý chính thức để thuận lợi cho việc áp dụng.
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp phải đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh, căn cứ Khoản 3 Điều 5 Luật đầu tư 2020 “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.”
Như vậy, nhà đầu tư chỉ cần có hoạt động đầu tư có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh là đã phải chấm dứt hoạt động đầu tư.
- Việc góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp mà đặc biệt là quyền sử dụng đất thì phải tuân thủ các quy định pháp luật đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới,, xã, phường, thị trấn ven biển.
Nội dung được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 58 Luật đất đai năm 2013 và Điều 13 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật đất đai năm 2013.
Tóm lại, căn cứ vào quy định nêu trên, các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế tại Việt Nam mà liên quan đến các dự án tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển thì các dự án này phải đáp ứng các điều kiện tại Luật đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
- Thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam
Căn cứ Điều 26 Luật đầu tư năm 2020 sửa đổi, bổ sung các trường hợp cần thiết phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: (1) tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; (2) tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
So với Luật đầu tư năm 2014, Luật đầu tư năm 2020 mở rộng thêm một trường hợp liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển, khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Các quy định này của Luật đầu tư năm 2020 nhằm thể hiện sử kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt nam. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế tại Việt Nam cần lưu ý khi thực hiện các hoạt động góp vốn và nhận góp vốn; mua bán cổ phần, mua bán phần vốn góp./.