Điều 208, Điều 209, Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định về thông báo, thành phần và trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Đây là quy định mới so với BLTTDS 2004. Theo quy định của điều luật, trước khi mở phiên họp thì Thẩm phán phải ra thông báo cho các đối tượng sau:
- Các đương sự;
- Người đại diện hợp pháp của đương sự;
- Người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Việc quy định Tòa án phải ra thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận chứng cứ và đối thoại là nhằm công khai hóa việc tổ chức phiên họp, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tranh tụng và tạo điều kiện cho các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ sắp xếp thời gian, chuẩn bị nội dung để tham gia phiên họp.
Việc thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho các đương sự trước khi tiến hành hòa giải là một thủ tục bắt buộc.
Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và phiên hòa giải, nội dung các vấn đề cần hòa giải để các đương sự biết và chuẩn bị tham gia phiên họp và phiên hòa giải một cách chủ động.
Lưu ý, hồ sơ vụ án phải thể hiện tài liệu tống đạt “Thông báo về phiên hòa giải” cho các đương sự trước khi hòa giải thì việc hòa giải mới không bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng.
- Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Được quy định cụ thể tại Điều 209 BLTTDS 2015 gồm 6 đối tượng cụ thể:
- Thẩm phán chủ trì phiên họp;
- Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp;
- Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;
- Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động. Trường hợp đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động không tham gia hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
- Người phiên dịch (nếu có).
Ngoài 6 thành phần trên, trong trong trường hợp cần thiết như Tòa án cần nghe ý kiến của đối tượng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ án (không phải đương sự) nhằm có thêm nguồn thông tin để làm cơ sở giải quyết chính xác vụ án, Tòa án có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đó tham gia phiên họp.
Cần lưu ý, trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự văng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt.
Nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên tòa hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp.
- Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Được quy định cụ thể tại Điều 210 BLTTDS 2015. Theo quy định của điều luật nội dung phiên họp gồm 2 phần:
- Kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
- Hòa giải.
Điều luật quy định cụ thể và chi tiết trình tự thủ tục tiến hành kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ và trình tự tiến hành thủ tục đối thoại để Thẩm phán có thể thực hiện một cách dễ dàng, tránh được sự tùy tiện làm qua loa.
- Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Điều 211 BLTTDS 2015 quy định về nội dung của biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và nội dung của biên bản hòa giải. Việc quy định nội dung của biên bản phiên họp nhằm tạo sự thống nhất về cách lập biên bản và bảo đảm các yêu cầu pháp lý đối với biên bản của Tòa án. Nội dung của biên bản hòa giải phải tuân thủ theo quy định của điều luật mới bảo đảm giá trị pháp lý.
Trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập thêm biên bản hòa giải thành và biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải. Hòa giải thành khi tất cả các vấn đề phải giải quyết của vụ án bao gồm các quyền, nghĩa vụ của các bên và cả vấn đề ai chịu án phí, số tiền án phí phải chịu đều được thỏa thuận cách giải quyết, nói cách khác là giải quyết toàn bộ vụ án./.