Phân biệt thừa kế và quyền thừa kế

Thừa kế về cơ bản là một hiện tượng xã hội, được hình thành từ việc một người khi chết đi có để lại tài sản và sự dịch chuyển tài sản đó cho người khác. Trong khi đó, quyền thừa kế lại là một hiện tượng pháp luật, được hình thành trong xã hội đã có nhà nước và pháp luật, tại đó sự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người khác được điều chỉnh bởi pháp luật.

  1. Thừa kế

Bất kỳ một xã hội nào để phát triển cũng cần phải có một nền tảng vật chất nhất định, tại đó con người chính là hạt nhân trong quá trình tạo ra của cải vật vật chất đó.

Của cải do con người tạo ra một cách hợp pháp sẽ thuộc sở hữu của họ, và họ có quyền sử dụng để thoả mãn các nhu cầu tiêu dùng và cũng tương tự như vậy, họ cũng có quyền định đoạt tài sản của họ khi cần thiết.

Khi người ta chết đi, những tài sản thuộc sở hữu của họ sẽ được dịch chuyển cho người khác. Quá trình dịch chuyển tài sản này được gọi là thừa kế.

Nói một cách khác, thừa kế là quá trình dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho những người còn sống khác.

Nếu sở hữu là sự phản ánh nào trong xã hội thuộc về ai, thì thừa kế là sự phản ánh tài sản của ai đó sẽ dịch chuyển cho ai kho họ chết. Như vậy, thừa kế chính là sự tiếp nối của sở hữu, là hệ luận của sở hữu.

Trong các xã hội chưa có nhà nước và pháp luật, thì thừa kế chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội. Sự dịch chuyển tài sản từ người chết cho người khác được thực hiện theo phong tục, tập quán của thời kỳ đó. Do vậy, có thể nói rằng, trong các xã hội chưa có nhà nước và pháp luật, thì chưa tồn tại khái niệm về quyền thừa kế.

  1. Quyền thừa kế

Quyền thừa kế là một phạm trù của pháp luật, và tồn tại trong các xã hội có nhà nước và pháp luật. Đây chính là việc nhà nước bằng quyền lực của mình ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ, hiện tượng xã hội. Vấn đề thừa kế không nằm ngoài quy luật điều chỉnh này.

Như vậy, có thể khẳng định quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành điều chỉnh quá trình dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho các chủ thể còn sống khác. Ở góc độ này, quyền thừa kế chính là pháp luật thừa kế.

  1. Quyền thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam

Pháp luật thừa kế ở Việt Nam trải qua các thời kỳ đều dựa trên nền tảng kinh tế, chế độ sở hữu, chính trị, phong tục truyền thống của con người Việt Nam để điều chỉnh sự dịch chuyển di sản. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Chính vì vậy, thừa kế ở mỗi thời kỳ đều mang nét đặc trưng riêng, và được thể hiện rõ nét nhất trong các Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) tại Điều 609 quy định về quyền thừa kế như sau:

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam tôn trọng sự định đoạt tài sản của cá nhân kể cả khi họ sống hay khi họ chết đi. Khi con người còn sống, họ có quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua các hợp đồng dân sự như bán, tặng, cho…Trước khi họ chết, họ có quyền tự định đoạt việc dịch chuyển tài sản đó cho ai sau khi họ chết đi.

Trường hợp việc để lại di sản cho người khác được thực hiện bằng ý chí của họ thể hiện trong di chúc đã lập thì được gọi là quyền để lại thừa kế theo di chúc. Trong trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật thì di sản của họ được dịch chuyển cho người khác theo quy định của pháp luật, đây được gọi là quyền để lại thừa kế theo pháp luật.

Bên cạnh quyền để lại di sản thừa kế, ca nhân còn có quyền hưởng di sản. Nếu việc hưởng di sản của một người được xác định theo ý chí của người chết và thể hiện trong di chúc của họ thì được gọi là quyền hưởng di sản theo di chúc. Tương tự, nếu việc hưởng di sản của một người được xác định theo quy định của pháp luật thì được gọi là quyền hưởng di sản theo pháp luật.

Việc để lại thừa kế và việc nhận di sản thừa kế là hai phạm trù khác nhau nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Hai yếu tố này phản ánh quá trình dịch chuyển tài sản của người chết sang những người còn sống khác, và đây cũng là những yếu tố cấu thành quyền thừa kế.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật thì quyền thừa kế của cá nhân bao gồm:

  • Quyền để lại di sản theo di chúc;
  • Quyền để lại di sản theo pháp luật;
  • Quyền nhận di sản theo di chúc;
  • Quyền nhận di sản theo pháp luật;

Pháp luật của Việt Nam còn quy định, bên cạnh quyền thừa kế của cá nhân thì còn quy định quyền thừa kế của các chủ thể khác không phải là cá nhân. Tuy nhiên, nếu cá nhân có cả hai quyền là để lại di sản và hưởng di sản theo di chúc hoặc pháp luật, thì các chủ thể khác chỉ có quyền hưởng di sản theo di chúc. Đây chính là sự khác biệt giữa quyền thừa kế của cá nhân và các chủ thể khác./.

Đánh giá bài viết