Những yêu cầu chung đối với phiên toà sơ thẩm dân sự

Phiên tòa sơ thẩm dân sự là phiên xét xử giải quyết vụ án dân sự lần đầu của Tòa án. Tất cả các vụ án dân sự nếu đã đưa ra xét xử thì đều phải trải qua phiên tòa sơ thẩm.

  1. Yêu cầu chung đối với phiên toà sơ thẩm dân sự

Điều 222 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định yêu cầu chung đối với phiên toà sơ thẩm.

Điều 222. Yêu cầu chung đối với phiên tòa sơ thẩm

Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Đặc điểm của phiên tòa sơ thẩm nói chung và phiên tòa sơ thẩm dân sự nói riêng là được tiến hành trong một thời điểm, thời gian nhất định. Phiên tòa là nơi diễn ra một cách tập trung các hoạt động tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự…

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử với nguyên tắc quyết định theo đa số sẽ phải nghe các bên đương sự trình bày, nghe các bên tranh luận về chứng cứ và dựa vào pháp luật để bảo vệ cho những yêu cầu của mình. Vì vậy, Tòa án nhân dân phải kiểm tra, xác minh toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án một cách toàn diện, khách quan, trên cơ sở đó đưa ra những nhận định, quyết định về chủ trương giải quyết vụ án được đúng đắn, chính xác.

Phiên tòa sơ thẩm dân sự là phiên xử công khai và sau cùng của giai đoạn tố tụng sơ thẩm, là diễn đàn của việc bảo vệ công lý. Vì vậy, việc tiến hành phiên toà sơ thẩm phải được thực hiện chu đáo, nghiêm túc, phải tuân thủ những nguyên tắc chung của BLTTDS năm 2015.

Yêu đối với phiên tòa sơ thẩm là phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Sự có mặt của các bên đương sự trong vụ án là rất cần thiết, cho nên BLTTDS năm 2015 yêu cầu phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm như  trong quyết định là nhằm bảo đảm đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng cho đương sự, tránh gây phiền hà và tốn kém về chi phí thời gian của đương sự do theo kiện.

Trước mỗi phiên tòa, Tòa án có thẩm quyền cần có thông báo niêm yết tại trụ sở của mình về thời, điểm mở phiên tòa của những vụ án cụ thể để ngoài đương sự, nếu có nhân dân muốn tham dự phiên tòa mà họ quan tâm thì để họ biết và đến dự.

  1. Địa điểm tổ chức phiên toà

Điều 223 quy định địa điểm tổ chức phiên toà, và đây là một điều mới được quy định trong BLTTDS năm 2015. Nội dụng này được quy định thống nhất với Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 150) nhằm cụ thể hóa nội dung “đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử” theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Điều 223. Địa điểm tổ chức phiên tòa

Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 224 của Bộ luật này.

Thực tiễn cho thấy, trước khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực, có ý kiến cho rằng việc xét xử ngoài trụ sở Tòa án là không được pháp luật thừa nhận, do đó trái pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy việc tổ chức các phiên toà xét xử ngoài trụ sở Tòa án (xét xử lưu động) có ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật đồng thời trong nhiều trường hợp rất thuận tiện cho đường sự.

BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ địa điểm tổ chức phiên toà có thể ngoài trụ sở Tòa án, tuy nhiên phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án theo đúng quy định của BLTTDS năm 2015.

  1. Hình thức bố trí phòng xử án

Điều 224 quy định về hình thức bố trí phòng xử án, và đây cũng là điều luật mới được quy định trong BLTTDS năm 2015. Nội dung này cũng được thống nhất quy định trong Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 151), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 257).

Điều 224. Hình thức bố trí phòng xử án

1. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được treo chính giữa phía trên phòng xử án và phía trên chỗ ngồi của Hội đồng xét xử.

2. Phòng xử án phải có các khu vực được bố trí riêng cho Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác và người tham dự phiên tòa.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 257 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Quốc hội giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về phòng xử án. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang khẩn trương xây dựng Đề án phòng xử án để nghiên cứu bố trí riêng các khu vực cho Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tổ tụng khác và người tham dự phiên tòa để bảo đảm phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đăng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác trong tố tụng hình sự, bảo đảm hoạt động tranh tụng được tiến hành hiệu quả trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

  1. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói

Thực hiện việc xét xử trực tiếp và bằng lời nói nhằm bảo đảm cho Toà án thẩm định và xác minh được đầy đủ, chính xác các tài liệu chứng cứ  của vụ án và đánh giá chúng một cách toàn diện.

Điều 225. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói

1. Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa; hỏi và nghe trả lời câu hỏi; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; điều hành và nghe tranh luận giữa các đương sự; nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát.

2. Việc xét xử phải bằng lời nói và được tiến hành tại phòng xử án.

Theo quy định này, Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa; hỏi và nghe trả lời câu hỏi; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, trong trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; nghe các bên đương sự và đại diện của họ tranh luận về chứng cứ cũng như việc áp dụng pháp luật.

Bản án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Về vấn đề này, theo quy định của BLTTDS năm 2004, sửa đổi năm 2011 thì việc xét xử ở phiên tòa phải được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc trừ trường hợp không thể tham gia xét xử được phải thay đổi.

Trong trường hợp đặc biệt do Bộ luật này quy định thì việc xét xử có thể tạm ngừng nhưng không quá 05 ngày làm việc. Hết thời hạn tạm ngừng, việc xét xử vụ án được tiếp tục (khoản 2 Điều 197). Sở dĩ BLTTDS quy định việc xét bằng lời nói và phải được tiến hành liên tục là nhằm bảo đảm việc xét xử nhanh chóng, tránh việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm cho Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng giải quyết được dứt điểm từng vụ.

Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 không còn quy định việc xét liên tục. Điều này xuất phát từ thực tiễn thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 197 BLTTDS năm 2004, việc áp dụng nguyên tắc xét xử liên tục nhiều vướng mắc trên thực tiễn: nếu tạm ngừng phiên tòa trong trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng không có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết thay thế thì phiên tòa phải tạm ngừng.

Trong trường hợp này, vụ án phải được xét xử lại từ đầu, tức là nội dung vụ án phải được xem xét từ đầu bởi một Hội đồng xét xử mới. Với khoảng thời hạn năm ngày làm việc trong nhiều trường hợp, đặc biệt là các vụ án phức tạp, có nhiều đường sự, Hội đồng xét xử không đủ thời gian để thể tiếp cận, nghiên cứu hộ sơ vụ án.

Việc tạm ngừng phiên tòa dài ngày hay ngắn ngày phụ thuộc vào căn cứ tạm ngừng của từng vụ án cụ thể nên không thể quy định cứng nhắc nhưng cũng cần giới hạn một khoảng thời gian tối đa để tránh việc lợi dụng quy định của pháp luật kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

BLTTDS năm 2004, sửa đổi năm 2011 cũng chưa quy định các căn cứ để tạm ngừng phiên tòa, hình thức tạm ngừng như thế nào. BLTTDS năm 2015 khắc phục vướng mắc này bằng việc quy định bổ sung về tạm ngừng phiên tòa tại Điều 259./.

Đánh giá bài viết