Kết hôn dưới góc độ pháp lý

Kết hôn về cơ bản là việc nam nữ lấy nhau thành vợ chồng. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, việc nam nữ lấy nhau thành vợ chồng thường được hợp thức bằng các nghi lễ cưới hỏi.

Sự kiện kết hôn có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi vì hôn nhân chính là cơ sở để hình thành gia đình – tế bào của xã hội. Trong xã hội có giai cấp, quan hệ hôn nhân bị chi phối bởi ý chí của giai cấp thống trị.

Do đó, Nhà nước đã sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, làm cho những quan hệ này phát sinh, thay đổi hay chấm dứt phù hợp với lợi ích của giai cấp đó. Vì vậy, cũng hình thành khái niệm kết hôn dưới góc độ pháp lý.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, kết hôn được hiểu là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, dưới góc độ pháp lý, kết hôn được hiểu là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ vợ chồng. Vì vậy, kết hôn dưới góc độ pháp lý luôn thỏa mãn 2 yếu tố sau:

  1. Phải thể hiện ý chí của cả nam và nữ là mong muốn được kết hôn với nhau

Quyền kết hôn là quyền gắn liền với nhân thân của mỗi cá nhân. Vì vậy, việc kết hôn trước hết phải thể hiện ý chí tự nguyện của người kết hôn. Đây cũng là cơ sở để đảm bảo cho nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được tuân thủ. Do đó, khi kết hôn, người kết hôn phải bày tỏ ý chí tự nguyện kết hôn trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn sẽ tiếp nhận tờ khai đăng ký kết hôn và giải quyết việc đăng ký kết hôn. Vì vậy, trong tờ khai đăng ký kết hôn và trước có quan đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ thể hiện rằng họ hoà toàn mong muốn được kết hôn với nhau.

Nam, nữ kết hôn là mong muốn được gắn bó với nhau trong quan hệ vợ chồng và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng to phúc, bền vững. Do đó, sự tự nguyện của nam nữ trong việc kết hôn vừa là điều kiện đảm bảo cho hôn nhân có gía trị pháp lý và đồng thời cũng là cơ sở xây dựng gia đình bền vững.

Đối với những trường hợp khi tiến hành đăng ký kết hôn. thấy có dấu hiệu của sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn, hôn giả tạo, cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối việc kết hôn. Trường hợp, đã đăng ký kết hôn mà phát hiện ở các dấu hiệu vi phạm sự tự nguyện kết hôn thì việc kết hôn đó có thể bị xử huỷ khi có yêu cầu.

Như vậy, sự thể hiện ý chí của người kết hôn luôn là một yếu tố cơ bản của việc kết hôn. Dưới góc độ pháp lý, sự thể hiện ý chí này phải là sự thể hiện ý chí về việc mong muốn trở thành vợ chồng trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  1. Phải được Nhà nước thừa nhận

Hôn nhân chỉ được Nhà nước thừa nhận khi việc xác lập quan hệ hôn nhân tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Để việc kết hôn được phù hợp với các quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kết hôn sau khi nhận hồ sơ đăng ký kết hôn phải tiến hành điều tra, xác minh về những vấn đề mà các bên nam, nữ đã khai.

Nếu những điều mà các bên nam, nữ khai là đúng và phù hợp với các điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn tiến hành đăng ký việc kết hôn cho họ theo đúng nghi thức do pháp luật quy định. Như vậy, hai bên phải thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Nhà nước mới có căn cứ để thừa nhận quan hệ hôn nhân. Kết hôn theo đúng quy định của pháp luật mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Khi kết hôn, hai bên nam, nữ phải tuân thủ các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Pháp luật của Nhà nước ta quy định điều kiện kết hôn thể hiện tính khoa học và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, đồng thời cũng phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Thông qua việc đăng ký kết hôn, Nhà nước kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kết hôn và công nhận quan hệ vợ chồng bằng việc cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Vì thế, sự kiện kết hôn là cơ sở pháp lý ghi nhận rằng, hai bên nam, nữ đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Như vậy, sự kiện kết hôn là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa vợ và chồng, đồng thời sự kiện kết hôn còn là căn cứ có ý nghĩa cho việc xác định quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình./.

Đánh giá bài viết