Nguyên tắc chung khi viết đơn khởi kiện vụ án dân sự là người khởi kiện phải đáp ứng được về mặt hình thức và nội dung của đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015).
Điều 193 BLTTDS 2015 quy định về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.
Trên thực tế, có nhiều đơn khởi kiện khi gửi đến Tòa án không có đủ các nội dung theo quy định pháp luật, thì Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải thông báo (bằng văn bản) những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ tiến hành việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự là không quá 30 ngày, trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày (không tính vào thời hạn chung xem xét đơn khởi kiện là 5 ngày) kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án.
Trong văn bản thông báo của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện cần phải ghi rõ, cụ thể các vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung để tránh việc cho sửa đổi, bổ sung nhiều lần do không ghi rõ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp người khởi kiện đã nhận được thông báo của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và trong thời hạn nói trên họ không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu họ gửi kèm theo đơn cho người khởi kiện.
Tuy nhiên một vấn đề đặt ra xem xét đó là sau khi bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì người khởi kiện có quyền nộp đơn lại hay không. Đối với trường hợp này, người khởi kiện vẫn có quyền nộp đơn khởi kiện lại trừ trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện, vì BLTTDS 2015 không quy định hạn chế số lần nộp đơn khởi kiện và cũng không quy định họ bị mất quyền khởi kiện nếu bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện.
Như vậy, khi người khởi kiện lại nộp đơn khởi kiện thì được xem là việc khởi kiện mới và Tòa án phải nhận đơn và tiến hành giải quyết theo thủ tục chung./.