Khi tiến hành khởi kiện dân sự tại Tòa án, các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tiến hành làm đơn khởi kiện vụ án dân sự để nộp cho Tòa án có thẩm quyền. Đây là quy định bắt buộc, mọi hình thức khởi kiện mà không có đơn khởi kiện đều không hợp lệ.
- Quy định chung về đơn khởi kiện vụ án dân sự
Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định chi tiết về hình thức và nội dung của đơn khởi kiện vụ án dân sự.
Để đảm bảo tính pháp lý thì đơn khởi kiện cũng phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức do BLTTDS 2015 quy định. Nếu đơn khởi kiện chưa thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cơ bản do luật quy định thì Tòa án cho thời hạn để sửa chữa, bổ sung hoặc trả lại đơn khởi kiện.
Việc trả lại đơn khởi kiện và hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện được quy định chi tiết tại Điều 192 BLTTDS 20015.
Việc viết đơn khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết vụ án dân sự vì nó vừa là căn cứ phát sinh vụ án dân sự vừa là cơ sở đầu tiên để Tòa án giải quyết vụ án. Các thông tin ban đầu nêu trong đơn khởi kiện cũng tạo tiền đề pháp lý để Tòa án thu thập chứng cứ, đánh giá sự việc và kết luận về vụ án.
Việc đưa ra yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố của đương sự phải thể hiện sự rõ ràng, dứt khoát, không thể yêu cầu chung chung như nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả nợ nhưng không nêu rõ trong đơn khởi kiện là bao nhiêu tiền; hoặc yêu cầu theo hình thức nước đôi ví dụ như nguyên đơn yêu yêu cầu bị đơn phải trả tiền mượn, nếu không trả được thì phải bán đất cho nguyên đơn.
Trong các trường hợp trên thì Tòa án cần giải thích rõ để đương sự hiểu và sửa lại đơn cho phù hợp.
Một lưu ý quan trọng khác đó là khi nộp đơn khởi kiện thì nguyên đơn cũng cần chuẩn bị và nộp kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ mà mình có nhằm chứng minh cho các yêu cầu nêu trong đơn khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp nhằm tạo thuận lợi cho việc thụ lý và giải quyết vụ án của Tòa án.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều loại tài liệu, chứng cứ được lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức hoặc do cá nhân khác giữ thì người khởi kiện không thể tự thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, vì vậy sau khi vụ án được thụ lý, giải quyết thì họ có thể yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Mặt khác cũng theo quy định tại Điều 192 BLTTDS 2015 về việc trả lại đơn khởi kiện thì không có quy định trả lại đơn khởi kiện khi người nộp đơn khởi kiện không nộp kèm tài liệu chứng cứ, vì vậy nếu người khởi kiện không có hoặc chưa có tài liệu chứng cứ để nộp kèm theo đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn phải nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án.
- Hình thức đơn khởi kiện vụ án dân sự
Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự mới nhất được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
>> Tải ngay: Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự mới nhất
- Nội dung đơn khởi kiện vụ án dân sự
Được quy định tại Khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015.
Lưu ý địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.
- Gửi đơn khởi kiện
Việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án được quy định chi tiết tại Điều 190 BLTTDS 2015.
Sau khi đã làm đơn khởi kiện và chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ nếu có thì bước tiếp ttheo người khởi kiện cần tiến hành đó là gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền bằng một trong ba phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
Tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp, người đại diện theo ủy quyền nộp trực tiếp tại Tòa án.
Lưu ý, khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện trực tiếp tiếp tại Tòa án thì Tòa án phải cấp cho họ một giấy xác nhận đã nhận đơn và trong giấy xác nhận đơn phải ghi rõ ngày nhận và ngày hẹn để giải quyết đơn.
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
Để tránh thất lạc đơn thì người khởi kiện nên gửi bằng hình thức thư tín đảm bảo. Ngay sau khi nhận được đơn của người khởi kiện do bưu điện chuyển đến thì Tòa án phải gửi giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện biết.
Ngoài ra, khi nhận được đơn khởi kiện thì Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn (để theo dõi xử lý) và cần đóng dấu công văn đến vào góc trái của đơn đồng thời ghi rõ ngày nhận được đơn vào đó.
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Với hình thức này được hướng dẫn tại Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, cụ thể:
- Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án, và
- Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Lưu ý, trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
- Nhận và xử lý đơn khởi kiện
Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định chi tiết tại Điều 191 BLTTDS 2015. Ngay sau khi đã nhận đơn khởi kiện thì Tòa án phải tiến hành bước tiếp theo là xem xét đơn khởi kiện trong thời hạn chung là 05 (năm) ngày làm việc.
Việc xem xét đơn khởi kiện do một Thẩm phán tiến hành theo sự phân công của Chánh án, nghĩa là Chánh án không trực tiếp xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn nói trên Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải tiến hành xem xét đơn khởi kiện đã nhận và các tài liệu kèm theo để tiến hành một trong ba thủ tục sau đây (chưa kể trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện):
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án.
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án khác có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết.
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án.