8 loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án

Các  tranh chấp về hôn nhân và gia đình (HN-GĐ) được quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015). Các  yêu cầu về HN-GĐ được quy định tại Điều 29 BLTTDS 2015.

Đặc trưng của yêu cầu về HN-GĐ là các bên đương sự không tranh chấp về quyền và nghĩa vụ mà chỉ yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó về HN-GĐ.

Theo quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015 thì những tranh chấp HN-GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm:

  1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn

Được quy định tại Khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015. Vụ án ly hôn đồng thời có tranh chấp cả về việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là loại vụ án HN-GĐ điển hình. Loại tranh chấp này là việc  do một bên yêu cầu Tòa án giải quyết đồng thời cả 3 mối quan hệ phát sinh từ quan hệ hôn nhân hợp pháp, đó là quan hệ về hôn nhân, quan hệ về nuôi con chung và quan hệ về chia tài sản.

Trong quan hệ tranh chấp này, tranh chấp về hôn nhân là một bên yêu cầu được ly hôn để chấm dứt quan hệ vợ chồng, còn một bên không chấp nhận việc ly hôn mà có yêu cầu được đoàn tụ.

Tranh chấp về nuôi con là việc các bên không thống nhất được ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi con, ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Ngoài ra, đương sự không có sự thống nhất về việc chia tài sản, phân chia các quyền hoặc nghĩa vụ về tài sản.

Vụ án ly hôn điển hình là có tranh chấp  đối với cả 3 quan hệ. Tuy nhiên, nếu đương sự yêu cầu giải quyết đồng thời các quan hệ thì chỉ cần có tranh chấp đối với một quan hệ thì cũng phải xác định là vụ án hôn nhân và gia đình.

Việc tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn cũng là vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi ly hôn, đương sự không bắt buộc phải yêu cầu giải quyết về chia tài sản chung hoặc chỉ yêu cầu giải quyết một phần. Do đó, sau khi đã ly hôn, nếu có tranh chấp về tài sản chung, đương sự có quyền khởi kiện những vụ án về chia tài sản sau khi ly hôn.

  1. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Quy định tại Khoản 2 Điều 28 BLTTDS 2015. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được hiểu là mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng vẫn đang tồn tại.

Giữa họ không có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn mà chỉ yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng xuất phát từ nhu cầu chính đáng của họ như để thực hiện nghĩa vụ về tài sản riêng hoặc để thuận tiện cho các giao dịch riêng về tài sản. Do vậy, nếu không thỏa thuận phân chia đượcthì trường hợp này pháp luật quy định là có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và cũng là loại vụ án về HN-GĐ.

Nếu giữa vợ chồng  không có sự tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng mà đã tự nguyện, thống nhất phân chia bằng văn bản và có yêu cầu Tòa án công nhận sự phân chia của họ về khối tài sản chung đó thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trong trường hợp họ yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó thì Tòa án không thụ lý vì không phải vụ án HN-GĐ quy định ở Điều 28 và cũng không phải việc HN-GĐ quy định tại Điều 29. Do vậy, cần hướng dẫn đương sự để họ liên hệ với cơ quan công chứng hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền để xác nhận.

Cần lưu ý là tranh chấp về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nếu sau này có thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung thì được giải quyết theo trình tự việc HN-GĐ theo quy định tại Khoản 7 Điều 29 BLTTDS.

  1. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Quy định tại Khoản 3 Điều 28 BLTTDS 2015. Đây là trường hợp mà trước khi đương sự khởi kiện giữa họ đã chấm dứt quan hệ vợ chồng và đã giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Do thay đổi tình hình của một trong hai bên mà nếu không thay đổi việc nuôi con thì có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người con và giữa họ không thống nhất được việc thay đổi nuôi con thì họ có quyền xin thay đổi việc nuôi con.

Trường hợp này có sự tranh chấp nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015. Nếu có sự thỏa thuận và chỉ yêu cầu công nhân sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con thì là việc HN-GĐ, không phải vụ án HN-GĐ.

  1. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ

Quy định tại Khoản 4 Điều 28 BLTTDS 2015. Tranh chấp này bao gồm cả yêu cầu không thừa nhận người nào đó là con, là cha, là mẹ của họ hoặc xin được xác định mình là cha, là mẹ, là con của một người nào đó.

Đối với những trường hợp mà yêu cầu xác định việc xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ không có tranh chấp mà tự nguyện thỏa thuận thì thuộc thẩm quyền của UBND theo pháp luật về hộ tịch mà không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Trường hợp không có tranh chấp nhưng cũng không có thỏa thuận thì được  giải quyết theo thủ tục việc dân sự quy định tại Khoản 10 Điều 29 BLTTDS 2015. Đó là trường hợp chủ thể được yêu cầu xác định là cha, là mẹ, là con đã chết.

  1. Tranh chấp về cấp dưỡng

Quy định tại Khoản 5 Điều 28 BLTTDS 2015. Đây là trường hợp chỉ có một yêu cầu về cấp dưỡng của những người được cấp dưỡng và những người có nghĩa vụ cấp dưỡng như cha, mẹ, con, anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ chồng… việc cấp dưỡng xuất phát có thể từ việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ hoặc có sự thay đổi về mức cấp dưỡng khi có căn cứ cho rằng mức cấp dưỡng đó không còn phù hợp với người được cấp dưỡng nữa.

Tuy nhiên, yêu cầu cấp dưỡng này chỉ được Tòa án thụ lý để giải quyết là vụ án tranh chấp khi có căn cứ cho rằng giữa họ không thỏa thuận được mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng, cấp dưỡng một lần hay theo định kỳ….và giữa họ đã xảy ra tranh chấp với nhau.

Ngoài người được cấp dưỡng có yêu cầu thì còn có cơ quan, tổ chức xã hội cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu về cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng như Cơ quan dân số – gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ…

  1. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Quy định tại Khoản 6 Điều 28 BLTTDS 2015. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định về mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Cùng với đó, Luật đã quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể trong các trường hợp:

  • Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con, thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con;
  • Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con, thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con;
  • Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không còn mà bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ, thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ theo quy định của Bộ luật dân sự;
  • Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không nhận con và bên mang thai hộ không tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ, thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ, bên nhờ mang thai hộ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Cần lưu ý là Khoản 6 Điều 29 BLTTDS 2015 cũng quy định về “Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình”. Đây là trường hợp không có tranh chấp, được giải quyết theo thủ tục việc HN-GĐ.

  1. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật

Được quy định tại Khoản 7 Điều 28 BLTTDS 2015. Hủy kết hôn trái pháp luật là một yêu cầu về HN-GĐ, được giải quyết theo trình tự việc dân sự. Tuy vậy, nếu cùng với việc xin hủy kết hôn trái pháp luật mà có tranh chấp về việc nuôi con chung hoặc chia tài sản thì phải giải quyết theo thủ tục vụ án HN-GĐ.

Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận quan hệ hôn nhân nhưng nếu có tranh chấp về chia tài sản chung, nuôi con chung thì thuộc trường hợp vụ án HN-GĐ chứ không phải vụ án dân sự thông thường.

  1. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật

Được quy định tại Khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015. Đây là một quy định mở về những  tranh chấp về HN-GĐ khác mà chưa được nêu tại Điều 28 BLTTDS 2015 nhưng nếu chưa có quy định cơ quan khác giải quyết thì đều do Tòa án giải quyết./.

5/5 - (1 vote)