6 thuật ngữ liên quan đến di sản thừa kế

Trong các văn bản pháp luật cũng như trên thực tế, chúng ta bắt gặp rất nhiều các thuật ngữ như tài sản do người chết để lại, di sản, di sản thừa kế, di sản dùng vào việc thờ cúng…Người đọc cần hiểu rõ về khái niệm cũng như mối liên hệ giữa các thuật ngữ nói trên khi tìm hiểu về di sản thừa kế, để từ đó xác định chế độ pháp lý của từng phần tài sản trong khối tài sản mà người chết để lại.

  1. Tài sản do người chết để lại

Là toàn bộ tài sản mà một người để lại sau khi họ chết, bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết và cả những tài sản không thuộc quyền sở hữu của người chết (tài sản của người khác mà người đó đang mượn, thuê, quản lý).

Như vậy, tài sản do người chết để lại bao gồm:

(1) Những tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết là di sản thừa kế và sẽ được phân chia cho người thừa kế của người đó theo quy định của pháp luật về thừa kế;
(2) Những tài sản không thuộc quyền sở hữu của người chết không phải là di sản thừa kế và sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp hoặc được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng.

  1. Di sản

Là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại. Tài sản này được dùng để thanh toán các khoản nợ về tài sản của người chết để lại, sau đó được phân chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc được định đoạt theo ý chí của người để lại di sản đã được thể hiện trong di chúc hợp pháp của họ.

Như vậy, di sản bao gồm:

(1) Phần tài sản dùng để thanh toán nghĩa vụ;
(2) Phần tài sản được chia cho những người thừa kế;
(3) Phần tài sản được dùng vào việc thờ cúng;
(4) Phần tài sản dùng để di tặng.

  1. Di sản thừa kế

Là phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại sau khi đã thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người đó và các chi phí liên quan đến thừa kế.

Nếu người để lại di sản có để lại di chúc và có dành di sản để di tặng, thờ cúng thì di sản thừa kế bao gồm cả di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng.

  1. Di sản dùng để chia thừa kế

Là phần di sản được dùng để chia cho những người thừa kế của người để lại di sản sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại, thanh toán các chi phí liên quan đến thừa kế, dành phần di sản để thờ cúng, để di tặng (nếu có).

  1. Di sản dùng vào việc thờ cúng

Là phần di sản trong khối di sản của người chết để lại đã được người đó xác định trong di chúc là giao cho một người nhất định quản lý để thực hiện việc thờ cúng.

Tài sản dùng vào việc thờ cúng được xác định trong di chúc có thể là một phần thuộc di sản của người lập di chúc cũng có thể là hương hoả tổ tiên từ đời trước để lại cho người lập di chúc.

Về nguyên tắc, người lập di chúc chỉ có quyền định đoạt những tài sản thuộc sở hữu của mình thì việc giao cho ai quản lý “hương hoả tổ truyền” để tiếp tục việc thờ cúng không thuộc quyền của người lập di chúc (tài sản đó không phải là di sản thừa kế), vì quyền đó thuộc về Hội đồng gia tộc.

  1. Tài sản dùng để di tặng

Là phần tài sản trong khối di sản của người chết để lại đã được người để lại di sản xác định trong di chúc là sau khi họ chết phần tài sản đó được dành ra đặng tặng cho một người nhất định.

Tóm lại, khi một người chết để lại một khối tài sản thì chỉ có những tài sản nào thuộc quyền sở hữu của người đó  mới là di sản. Khối di sản này sau khi thanh toán các nghĩa vụ về tài sản thì phần còn lại mới là di sản thừa kế.

Sau khi thanh toán các chi phí liên quan đến thừa kế (nếu có), dành phần di sản để thờ cúng, di tặng (nếu người để lại di sản có xác định trong di chúc), thì phần tài sản còn lại mới là di sản được chia cho những người thừa kế.

Lưu ý, khi xác định hai phần ba của một suất thừa kế theo pháp luật để cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 644 BLDS 2015 thì phải lấy toàn bộ di sản thừa kế mà người chết để lại (bao gồm cả phần di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng)./.

5/5 - (1 vote)