Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định về việc Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành nếu có bất kỳ đương sự nào thay đổi ý kiên về sự thỏa thuận đã được lập biên bản thì Tòa án không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ. Việc thay đổi ý kiến của các đương sự phải được thể hiện bằng văn bản và lưu vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (thực hiện theo mẫu do Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn).
Tuy nhiên cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, bao gồm cả vấn đề án phí.
- Trong trường hợp vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt và chỉ tiến hành hòa giải giữa những người có mặt (khoản 3 Điều 20i9) thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt, và Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt hoặc được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
- Nội dung quyết định hòa giải cần đảm bảo:
- Phù hợp với nội dung thỏa thuận của các đương sự được ghi nhận tại biên bản hòa giải thành. Trường hợp nội dung quyết định mà không đúng với nội dung của biên bản hòa giải thành thì bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
- Lời văn phải rõ ràng, súc tích, dễ hiểu và dễ áp dụng.
- Từ ngữ sử dụng phải chính xác, đúng thuật ngữ pháp lý.
- Đảm bảo tính khả thi, tức có khả năng thi hành được trên thực tế.
- Trường hợp nguyên đơn có nhiều yêu cầu, bị đơn có nhiều yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có nhiều yêu cầu độc lập nhưng trước khi hòa giải hoặc tại phiên hòa giải họ lại rút bớt yêu cầu (tức rút một phần yêu cầu), thì khi tiến hành hòa giải Thẩm phán chỉ hòa giải đối với những yêu cầu không bị rút và cần ghi rõ các yêu cầu đã bị rút vào biên bản hòa giải.
- Trường hợp trước khi hòa giải hoặc tại phiên hòa giải có đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu thì cần ghi rõ các yêu cầu được thay đổi, bổ sung vào biên bản hòa giải.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quy định này nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, mặt khách tránh việc lợi dụng thủ tục hòa giải để trục lợi hoặc hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản của người khác làm mất đi ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của hòa giải trong tố tụng dân sự.
Lưu ý, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. (Điều 213 BLTTDS 2015)./.