5 dấu hiệu phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vi phạm

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) quy định chi tiết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó khoản 1 quy định các dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều luật, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thoả mãn một trong các dấu hiệu sau đây:

  1. Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 02 triệu đồng trở lên;
  2. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt (có thể là hành vi trộm cắp tài sản, hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi chiếm đoạt khác);
  3. Đã bị kết án về tội chiếm đoạt hoặc tội được quy định tại Điều 290 (các hành vi chiếm đoạt có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử) và chưa được xoá án tích;
  4. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (gây ra tâm lý lo lắng trong dân cư về an ninh, trật tự, an toàn xã hội);
  5. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ (như xe máy dùng để chở khách và tiền thu được từ việc chở khách là khoản thu chính của gia đình).

Như vậy, căn cứ vào một trong năm dấu hiệu nêu trên để phân biệt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xử lý theo quy định của BLHS 2015 hay chỉ là vi phạm không bị xử lý hình sự./.

5/5 - (1 vote)