Ở Việt Nam, quyền kết hôn được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 và các văn bản pháp luật khác. Theo đó, hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ, một vợ, một chồng được Nhà nước bảo hộ.
- Quyền kết hôn
Cá nhân (nam, nữ) có quyền kết hôn. Quyền kết hôn là một trong những quyền con người, quyền dân sự cơ bản của cá nhân, được khẳng định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế về nhân quyền, cũng như trong pháp luật quốc gia.
- Điều kiện kết hôn
Nam, nữ muốn kết hôn với nhau thì mỗi bên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể như sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuổi của nam, nữ được tính tròn (đủ) theo dương lịch, không tính tuổi theo âm lịch.
Ví dụ, nam sinh ngày 01/01/2002, đến ngày 01/01/2022 là đủ tuổi kết hôn (20 tuổi). Căn cứ để xác định tuổi là dựa vào Giấy khai sinh được cấp hợp lệ của mỗi bên.
- Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định. Trong việc kết hôn, nam và nữ được tự do bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được kết hôn với nhau. Những người khác phải tôn trọng nguyện vọng của nam, nữ, không được ngăn cấm, cản trở hay ép buộc dưới bất cứ hình thức nào.
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự. Đây là điều kiện quan trọng, đòi hỏi mỗi bên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Không kết hôn đồng giới. Hôn nhân đồng giới (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ) không được Nhà nước thừa nhận.
- Không vi phạm quy định cấm kết hôn. Đây là điều kiện tiên quyết để công nhận một hôn nhân hợp pháp, bởi vi phạm quy định cấm kết hôn sẽ không được Nhà nước thừa nhận và hôn nhân đó sẽ bị Tòa án hủy bỏ.
- Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điề kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.
- Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.
- Các trường hợp cấm kết hôn
- Kết hôn giả tạo. Nghĩa là kết hôn nhằm mục đích trục lợi, vụ lợi cá nhân hoặc mục đích khác (ví dụ kết hôn với nơi nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ để xuất cảnh ra nước ngoài), không nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, bền vững.
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. Đây là các trường hợp vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn, xâm phạm quyền tự do, tự nguyện, bình đẳng của nam nữ trong quan hệ hôn nhân.
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Đây là trường hợp vi phạm chế độ một Vợ một chồng, có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự.
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Đây là trường hợp vi phạm luân thường đạo lý, truyền thống gia đình.
- Yêu sách của cải trong việc kết hôn. Nghĩa là có những đòi hỏi, yêu cầu (quá đáng) về của cải, tài sản, tiền bạc trong việc kết hôn. Đó là biểu hiện của hình thức hôn nhân gả bán – tàn dư của chế độ phong kiến, phải bị nghiêm cấm và bãi bỏ.
- Thẩm quyền đăng ký kết hôn
UBND xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau cư trú ở trong nước.
UBND huyện có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Cơ quan đại diện có thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau cùng cư trú ở nước ngoài./.