Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) quy định tội phậm được phân thành 04 loại gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng, Tội phạm nghiêm trọng, Tội phạm rất nghiêm trọng, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Do sự khác nhau như vậy mà vấn đề phân hoá và cá thể hoá trách nhiệm hình sự được đặt ra và được coi là nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam.
Trước hết đòi hỏi phải có sự phân hoá trách nhiệm hình sự trong luật và sự phân hoá này là cơ sở để có thể có thể hoá trách nhiệm hình sự trong áp dụng. Thể hiện nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, BLHS 2015 tiếp tục phân tội phạm thành bốn nhóm tội phạm khác nhau:
- Tội phạm ít nghiêm trọng;
- Tội phạm nghiêm trọng;
- Tội phạm rất nghiêm trọng;
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Sự phân hoá thành bốn nhóm tội phạm như vậy vừa là biểu hiện cơ bản của sự phân hoá trách nhiệm hình sự vừa là cơ sở thống nhất cho sự phân hoá trách nhiệm hình sự trong BLHS.
Sự phân hoá này là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng các khung hình phạt cho các tội phạm cụ thể cũng như cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong các ngành luật khác có liên quan các quy định thể hiện sự phân hoá trong chống các loại tội phạm khác nhau.
Đó là những căn cứ pháp lý thống nhất để các chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự khi áp dụng luật hình sự.
Căn cứ phân loại tội phạm là “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”. Nói cách khác, đây chính là mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội.
Mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hoá là:
- Không lớn (tội phạm ít nghiêm trọng);
- Lớn (tội phạm nghiêm trọng);
- Rất lớn (tội phạm rất nghiêm trọng);
- Đặc biệt lớn (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội đã được phân hoá như vậy có bốn mức độ cao nhất của khung hình phạt:
- Phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
- Phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm;
- Phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm;
- Phạt tù trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong hai dấu hiệu phân biệt các loại (nhóm) tội phạm này với nhau, dấu hiệu về nội dung quyết định dấu hiệu về hậu quả pháp lý.
Sự xác định dấu hiệu về hậu quả pháp lý thể hiện ở mức cao nhất của khung hình phạt chỉ là kết quả đánh giá của cơ quan xây dựng luật về sự cần thiết phải áp dụng các mức hình phạt khác nhau đối với những hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau.
Nhưng khi đã được xác định, khung hình phạt trở thành dấu hiệu có tính độc lập tương đối để phân biệt các loại tội phạm với nhau, không phụ thuộc vào mức hình phạt cụ thể được áp dụng.
Trong 02 dấu hiệu phân biệt giữa các loại tội phạm, dấu hiệu thứ nhất là tiêu chí để cơ quan xây dựng luật xem xét khi quy định các khung hình phạt và do vậy, dấu hiệu này có ý nghĩa đối với hoạt động lập pháp.
Trong khi đó, dấu hiệu thứ hai là dấu hiệu để người áp dụng xác định tội phạm thuộc khung hình phạt được áp dụng là loại tội phạm gì theo phân loại tại Điều 9 BLHS 2015 và do vậy dấu hiệu này có ý nghĩa đối với hoạt động áp dụng pháp luật.
Trong áp dụng luật hình sự, việc xác định tội phạm đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào có ý nghĩa đối với việc áp dụng nhiều quy định của BLHS như khoản 2 Điều 12; Điều 27 v… Ngoài ra, việc xác định này cũng có ý nghĩa đối với việc áp dụng một số quy định của các ngành luật có liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự như Luật tố tụng hình sự…
Khoản 2 của Điều luật là nội dung được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015. Việc bổ sung này xuất phát từ quan niệm cho rằng có tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện nên phải có các quy định cho tội phạm này tương ứng với các quy định cho tội phạm do cá nhân thực hiện.
Theo đó, cần phải có quy định về phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện bên cạnh quy định về phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện./.