Di sản là khái niệm rộng được hiểu là cái của thời trước để lại cho đời sau. Di sản theo quy định của Bộ luật dân sự được hiểu theo nghĩa hẹp có nghĩa là tài sản của người chết để lại.
Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Có thể thấy rằng, quy định của điều luật nêu trên đã “làm mờ” đi một phần rất quan trọng đó là tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng.
Những tài sản mà vợ chồng có được một cách hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Sở hữu về tài sản của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
- Tài sản riêng của người chết
Tài sản riêng của người chết được hiểu là toàn bộ tài sản mà thuộc sở hữu của cá nhân người đó, họ có đầy đủ các quyền năng về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của họ mà không bị ảnh hưởng bởi các chủ thể khác, ngoại trừ sự chi phối của pháp luật.
Pháp luật hiện hành tôn trọng quyền sở hữu của cá nhân, chính vì vậy bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của một người sẽ thành di sản khi người đó chết.
Bên cạnh đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định tại khoản 1 Điều 43 về tài sản riêng của vợ, chồng:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Theo Điều luật này tài sản riêng của vợ hoặc chồng có được dựa trên:
- Tài sản riêng của vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn
Trước khi kết hôn, mọi hoạt động để xác lập quyền sở hữu tài sản của vợ hoạc chồng đương nhiên thuộc quyền sở hữu riêng của họ. Ví dụ như thu nhập từ lao động, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp…
- Tài sản riêng của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Tài sản mà vợ hoặc chồng được người khác tặng riêng thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.
- Tài sản mà vợ hoặc chồng được thừa kế riêng sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi người.
- Sau khi chia tài sản chung, những tài sản mà vợ, chồng đã được chia thuộc tài sản riêng của vợ, chồng.
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.
- Tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể tài sản chung của vợ chồng, bao gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Lưu ý:
- Trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ hoặc chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi cả tên của vợ và chồng
- Trường hợp không có căn cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
- Tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với người khác
Về cơ bản, đây là phần vốn mà người để lại di sản khi còn sống đã bỏ ra để cùng với người khác mua sắm một tài sản nhất định để cùng sản xuất, kinh doanh chung. Do vậy, khi xác định phần di sản này cần phải định giá lại toàn bộ tài sản thuộc sở hữu chung theo phần đó.
Phần tài sản của người chết tính theo tỷ lệ vốn góp của người đó so với toàn bộ giá trị của tài sản vào thời điểm xác định.
Ví dụ:
A và B mỗi người góp 500 triệu đồng để mua một chiếc ô tô chở khách trị giá 1 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ góp vốn của mỗi người là 50%. Khi chiếc ô tô được đưa vào hoạt động kinh doanh, trường hợp có sinh lợi, thì số tiền lời được chia cho A và B là đồng chủ sở hữu theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 50%.
Tương tự như vậy, trong quá trình kinh doanh, phải bỏ ra các khoản chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa…tài sản chung, A và B cũng phải chịu chi phí tương ứng với phần vốn góp (phần quyền) tương ứng trong tài sản chung đó.
Trường hợp A chết, thì phần tài sản tương đương 50% giá trị chiếc xe được định giá vào thời điểm tách phần quyền sở hữu (cùng với khoản lợi tức thu được trong quá trình kinh doanh) sẽ thuộc di sản thừa kế của A để lại.