3 điều kiện để người thừa kế được hưởng di sản

Điều 613 Bộ luật dân sự năm 105 (BLDS 2015) quy định: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ quy định trên, người thừa kế chỉ được hưởng di sản do người chết để lại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  1. Phải là người còn sống nếu người còn sống là cá nhân hoặc phải còn tồn tại nếu người thừa kế là cơ quan tổ chức vào thời điểm mở thừa kế

Với đặc trưng cơ bản của thừa kế là sự tiếp nối về sở hữu tài sản giữa người còn sống với người đã chết, do vậy người tiếp nhận di sản phải là người còn sống. Sẽ là vô nghĩa nếu tài sản được dịch chuyển từ một người chết này sang một người chết khác.

  1. Người thừa kế là cá nhân

Ở đây cần hiểu thuật ngữ ”còn sống” mang nghĩa rộng. Ví dụ, một người đã chết vào thời điểm phân chia di sản nhưng nếu vào thời điểm mở thừa kế người đó vẫn đang sống thì họ được coi là còn sống và được hưởng di sản.

Có trường hợp người thừa kế không hiện diện vào thời điểm mở thừa kế do mất tích nhưng họ chưa bị tuyên bố là đã chết hay đã được tuyên bố là đã chết nhưng ngày được coi là đã chết của họ được xác định sau ngày mở thừa kế, thì họ vẫn được coi là còn sống vào thời điểm mở thừa kế và sẽ được hưởng di sản.

Trường hợp người thừa kế bị tuyên bố là đã chết trước thời điểm người để lại di sản chết nhưng họ lại còn sống và trở về trước khi di sản của người chết được phân chia thì họ vẫn được coi là còn sống và sẽ được hưởng di sản. Tuy nhiên, để được hưởng di sản, họ phải yêu cầu Toà án huỷ quyết địn tuyên bố là đã chết đối với họ.

  1. Người thừa kế là cơ quan, tổ chức

Cơ quan, tổ chức chỉ được coi là người thừa kế theo di chúc nếu cơ quan, tổ chức đó còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Như vậy, nếu cơ quan, tổ chức được người để lại di sản chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì sẽ không được hưởng di sản.

Trường hợp cơ quan, tổ chức là pháp nhân thì theo quy định tại Điều 96 BLDS 2015, pháp nhân bị coi là chấm dứt tồn tại trong các trường hợp sau:

  • Hợp nhất pháp nhân
  • Sáp nhập pháp nhân
  • Chia pháp nhân
  • Chuyển đổi hình thức pháp nhân
  • Giải thể pháp nhân
  • Bị tuyên bố phá sản

Trong các trường hợp trên, đối với trường hợp giải thể pháp nhân hay pháp nhân bị tuyên bố phá sản thì pháp nhân đó bị coi là chấm dứt sự tồn tại hoàn toàn, do vậy hai trường hợp này phần di sản đáng nhẽ pháp nhận được hưởng sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.

Trường hợp pháp nhân chấm dứt so hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi hình thức pháp nhân thì sự tồn tại của pháp nhân được hiểu như thế nào? Trong trường hợp này cần phải hiểu việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi hình thức pháp nhân cũng là căn cứ làm chấm dứt pháp nhân.

Vì thế, việc pháp nhân là tổ chức được thừa kế theo di chức nhưng đã hợp nhất, sáp nhập, chia tách trước thời điểm mở thừa kế thì sẽ không còn là người thừa kế nữa. Mặc khác, quyền hưởng di sản thừa kế chỉ phát sinh từ thời điểm mở thừa kế, trong khi pháp nhân đã bị coi là chấm dứt tồn tại trước thời điểm đó nên đương nhiên quyền hưởng di sản thừa kế chưa hề tồn tại ở pháp nhân đó, vì thế không thể chuyển dịch cho pháp nhân mới được.

  1. Phải thành thai trước khi người để lại di sản chết, nếu sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế

Cá  nhân không thể hưởng thừa kế hay nói cái khác là tiếp nhận di sản được nếu sinh ra nhưng không còn sống. Tuy nhiên việc sinh ra và còn sống hay chết đôi khi chỉ là những khoảnh khắc mong manh, trong khi hai tình trạng trên sẽ có hai hậu quả pháp lý khác nhau.

  • Nếu đứa trẻ sinh ra và được coi là còn sống thì đứa trẻ sẽ được hưởng phần di sản mà người chết để lại cho nó và phần di sản đó sẽ được coi là di sản của chính đứa trẻ để lại. Như vậy, di sản này sẽ thuộc về những người thừa kế của đứa trẻ.
  • Nếu đứa trẻ sinh ra và chết thì đứa trẻ sẽ không phải là người thừa kế được hưởng di sản.

Để xác định tình trạng “còn sống” hay “đã chết” của một đứa trẻ sinh ra rồi mới chết thì chúng ta căn cứ khoản 3 Điều 30 BLDS 2015:

Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

Theo tinh thần của Điều luật trên, một đứa trẻ sinh ra và sống được 24 giờ trở lên thì được coi là “sinh ra và còn sống”, và sẽ là người thừa kế được hưởng di sản mà người chết để lại.

Nếu sinh ra mà chết ngay hoặc sống nhưng chưa đủ 24 giờ thì bị coi là “sinh ra nhưng đã chết” và không phải là người thừa kế được hưởng di sản.

Đối với điều kiện “phải thành thai trước khi người để lại di sản chết”, đây là điều kiện riêng đối với cá nhân là người thừa kế theo pháp luật. Theo quy định về pháp luật thừa kế, người thừa kế theo pháp luật là người có một trong ba mối quan hệ (hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống), nên đây chính là việc dự liệu của pháp luật đối với người sinh ra sau thời điểm người để lại di sản chết có mối quan hệ huyết thống hay không.

Lưu ý điều kiện phải thành thai trước khi người để lại di sản chết không đòi hỏi với người thừa kế theo di chúc, hay nói cách khác, người thừa kế theo di chúc vẫn được hưởng di sản họ thành thai sau thời điểm người để lại di sản chết.

Hiện nay, với sự tiến bộ của Y học hiện đại, một đứa trẻ có thể sinh ra dựa trên phương pháp dùng tinh trùng của người chồng trước khi chết đã gửi vào ngân hàng tinh trùng để thụ thai cho người vợ nhằm duy trì nòi giống. Rõ ràng, đứa trẻ được thành thai sau khi người chồng chết nhưng vẫn là con đẻ của người chồng (quan hệ huyết thống).

Nếu chiếu theo quy định của điều luật thì đứa trẻ đó không được hưởng di sản cho dù là con của người để lại di sản. Đây có lẽ là vấn đề mà các nhà làm luật cần sớm khắc phục trong tương lai.

  1. Không thuộc trường hợp người không được hưởng di sản
  1. Các trường hợp không được hưởng di sản quy định tại Khoản 1 Điều 621 BLDS 2015:
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
  1. Bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản bằng một di chúc có hiệu lực pháp luật (trừ trường hợp người thừa kế là người được xác định trong Điều 644 BLDS 2015).

Một lưu ý cuối cùng, đó là pháp luật thừa kế hiện hành không quy định về năng lực chủ thể của người thừa kế. Cũng giống như quyền sở hữu, quyền thừa kế là một quyền tuyệt đối, bất luận họ có năng lực chủ thể (năng lực hành vi và năng lực pháp luật) hay không.

Tóm lại, để được hưởng di sản, người thừa kế nói chung phải đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật đã quy định như đã cập trên đây./.

Đánh giá bài viết