Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã không còn tồn tại văn bản “Quyết định chủ trương đầu tư” mà thay vào đó là “Chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Với thay đổi này thì hồ sơ và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cũng có những thay đổi nhất định.
- Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư
Luật đầu tư năm 2020 đã sử dụng thuật ngữ “chấp thuận chủ trương đầu tư” do vậy, các nhà đầu tư cũng như các chủ thể có thẩm quyền khác sẽ thực hiện hồ sơ “ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư”
Theo quy định tại Điều 33 Luật đầu tư năm 2020 có 2 chủ thể sẽ tiến hành làm hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm: Nhà đầu tư hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đối với mỗi chủ thể, hồ sơ đề nghị là khác nhau:
- Đối với hồ sơ do chủ thể có thẩm quyền lập quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư 2020,
- Hồ sơ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật đầu tư 2020.
Các nhà đầu tư cần lưu ý để tránh nhầm lẫn khi làm hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Sự tách bạch này là rất cần thiết, bởi vì về bản chất, các chủ thể đề nghị chấp thuận chủ trương khác nhau thì các văn bản trong hồ sơ cũng phải khác nhau cụ thể:
(1) Đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất
Hồ sơ này có sự tương đồng với hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, có một số sự khác nhau đó là:
- Trong văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư phải có cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận. Đây là nội dung mới quan trọng và bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư. Do đó các nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc khi thực hiện việc nộp hồ sơ nói riêng và việc thực hiện dự án nói chung.
- Quy định chi tiết nội dung trong đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nếu pháp luật yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả năng thì khi nhà đầu tư hoàn toàn có quyền sử dụng chính báo cáo tiền khả năng khi thay cho đề xuất dự án đầu tư của mình.
(2) Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư có thể có các tài liệu khác như điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định pháp luật nếu được yêu cầu.
(3) Đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước lập
Đây là nội dung hoàn toàn mới, được quy định lần đầu tiên trong Luật đầu tư 2020. Theo đó , hồ sơ bao gồm:
- Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế- xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất( nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường( nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư( nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt( nếu có). Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
- Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận dự án đầu tư
Được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 33 Luật đầu tư 2020 và cần phải phân biệt nội dung này đối với quy định tại Khoản 4 Điều 33 về thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong trường hợp tại Khoản 4 Điều 29 Luật đầu tư 2020.
Luật đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm hai điều kiện nhằm đánh giá một dự án đầu tư bao gồm:
- Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế- xã hội của dự án đầu tư; đánh giá sơ bộ tác động của môi trường( nếu có) theo quy định của pháp luật môi trường.
- Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với sự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Dưới góc nhìn của cơ quan nhà nước thì đây là những nội dung rất quan trọng vì đánh giá các nội dung trên sẽ cho phép lường trước được các rủi ro cũng như khả năng đạt được kết quả, mối quan hệ với kế hoạch phát triển tổng thể.
Trong thời gian qua, có rất nhiều dự án đầu tư được cho phép thực hiện nhưng có sự tác động không tốt tới điều kiện kinh tế- xã hội và đặc biệt là môi trường, bên cạnh đó hiên trạng các dự án nhà ở cao tầng không phù hợp, bị bỏ hoang gay ra lãng phí quỹ đất khiến cho nhà nước phải siết chặt hơn nữa các tiêu chí đánh giá thẩm định đối với 2 nội dung này.
Còn dưới góc nhìn của các nhà đầu tư đây là một trong những điều nhà nước đầu tư đặc biệt chú ý trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án. Nếu dự án không đảm bảo các tiêu chí này hoặc trong hồ sơ không được thể hiện một cách rõ ràng thì dự án dễ dàng rơi vào tình trạng không được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư
Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Việc thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư được thực hiện trong các trường hợp được liệt kê cụ thể tại Khoản 4 Điều 33 Luật đầu tư 2020. Đây là quy định hoàn toàn mới, xuất hiện lần đầu tại Luật đâu tư 2020.
Ngoài các tiêu chí tại Khoản 3 Điều 33 Luật đầu tư năm 2020 cơ quan nhà nước còn có căn cứ vào các tiêu chí sau để thẩm định gồm:
- Khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
- Đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
- Các điều kiện khác đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy các chủ thể cần lưu ý rà soát các quy định mới của Luật đầu tư 2020 để đảm bảo chính xác về trình tư, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật./.