2 nguyên tắc tiến hành hòa giải vụ án dân sự

Hòa giải trong vụ án dân sự là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.

  1. Hòa giải vụ án dân sự

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) không quy định một vụ án dân sự thì phải hay tối đa bao nhiêu lần hòa giải, tuy nhiên thực tiễn cho thấy một vụ án được hòa giải nhiều lần trong các trường hợp sau:

  • Khi có người tham gia tố tụng mới
  • Khi có đương sự yêu cầu độc lập hoặc khi có yêu cầu phản tố
  • Khi đương sự có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập
  • Khi có đương sự yêu cầu hòa giải lại hoặc khi Tòa án thấy cần thiết phải hòa giải lại.
  1. Nguyên tắc hòa giải vụ án dân sự

Căn cứ khoản 2 Điều  205 BLTTDS 2015 , để đảm bảo việc hòa giải được kết quả thì việc tiến hành hòa giải cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc 1: Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình.

Mục đích của hòa giải là để các đương sự tự nguyện thỏa thuận  với nhau về việc giải quyết vụ án trên tinh thần đoàn kết, thông cảm, giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy mọi sự tự nguyện thỏa thuận của đương sự phải được tôn trọng thì mục đích hoàn giải mới đạt được.

Khi tiến hành hòa giải  Thẩm phán chủ trì buổi hòa giải phải tuyệt đối tôn trọng, bảo vệ các ý kiến thể hiện sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không áp đặt quan điểm, phản bác ý kiến tự nguyện thỏa thuận của đương sự mà chỉ đề xuất gợi mở hướng giải quyết tối ưu nhất cho các đương sự để họ tự quyết định và định đoạt.

Mặc khác cần bảo đảm không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa  dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình. Điều này có nghĩa là buộc họ thỏa thuận mà không có sự tự nguyện do bị cưỡng ép là vi phạm nguyên tắc về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Một khi không có sự tự nguyện khi hòa giải thì mục đích ý nghĩa của hòa giải không còn.

Nguyên tắc 2: Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trái pháp luật được hiểu là nội dung thỏa thuận đi ngược lại hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật mà các bên đang tham gia giải quyết. Trái đạo đức xã hội được hiểu là đi ngược lại những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Do vậy, theo nguyên tắc này mọi thỏa thuận trái pháp luật và trái đạo đức xã hội đều không có giá trị pháp lý và không được pháp luật bảo vệ.

Trường hợp tại phiên tòa các đương sự thỏa thuận với nhau mà nội dung thỏa thuận trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã họi, thì HĐXX không cần nhận sự hòa giải đó và vẫn tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung nhưng cần ghi rõ trong bản án (phần xét thấy) về lý do của việc không công nhận đó./.

Đánh giá bài viết