Không phải tất cả các vụ án dân sự sau khi thụ lý đều tiến hành hòa giải, dựa trên nguyên tắc ưu tiên đối với việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và trên tinh thần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định 02 (hai) trường hợp không hòa giải giữa các đương sự.
Không hòa giải ở đây được hiểu là bỏ qua thủ tục hòa giải. Những vụ án thuộc loại này sau khi tiến hành thu thập chứng cứ đầy đủ thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, đồng thời tiến hành xét xử theo quy định mà không tiến hành hòa giải.
Vụ án giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước
Tài sản thuộc sở hữu Nhà nước là đối tượng ưu tiên bảo vệ, thu hồi vì vậy mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tài sản Nhà nước cần được ngăn chặn và không thể giải quyết bằng thương lượng thỏa thuận như các đối tượng sở hữu khác. Đồng thời việc bỏ qua thủ tục hòa giải còn làm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, bảo vệ kịp thời tài sản của Nhà nước.
Thông thường yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước được hiểu là dạng yêu cầu về đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội
- Giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật.
Giao dịch trái pháp luật ở đây được hiểu là pháp luật có quy định về loại giao dịch đó nhưng đương sự thực hiện không đúng hoặc ngược lại với quy định của luật và không vi phạm điều cấm của pháp luật, do vậy theo quy định trên vụ án vẫn phải hòa giải.
Chỉ khi nào điều luật quy định cụ thể là cấm thực hiện một giao dịch nào đó thì mới không hòa giải. Khi xét xử vụ án mà thuộc truowfg hợp không hòa giải thì cần ghi rõ trong bản án và viện dẫn điều luật quy định cấm giao dịch đó.
- Giao dịch trái đạo đức xã hội.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Giao dịch trái đạo đức xã hội là giao dịch trái với những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, trường hợp vẫn tiến hành hòa giải những vụ án nêu trên thì bị coi là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và kết quả của việc hòa giải không được công nhận và không có giá trị pháp lý./.