2 điểm mới về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án đầu tư theo Luật đầu tư năm 2020

Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án, nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt để thực hiện dự án đầu tư.

Nhưng về nguyên tắc, nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án đầu tư của mình do đó quá trình thực hiện quy định đã phát sinh một số vướng mắc, chưa thực sự đảm bảo tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Khắc phục những bất cập về vấn đề này, Luật đầu tư năm 2020 đã có thêm một số điểm mới theo hướng mở rộng thẩm quyền trong chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra còn quy định chi tiết hơn cho hồ sơ, nội dung thẩm định về các đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

  1. Lựa chọn nhà đầu tư

Quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tại Điều 29 Luật đầu tư năm 2020 đã ghi nhận 03 hình thức lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

  • Nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động nhà đầu tư của mình thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai trừ các nhà đầu tư nước ngoài ( Vì theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai 2013 thì nhà đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp là người có quyền sử dụng đất)
  • Nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư thông qua việc tham gia đấu thầu và nếu thắng thầu, nhà đầu tư có quyền thực hiện các hoạt động đầu tư theo đúng nội dung mời thầu và hợp đồng được ký kết của các bên. Việc đấu thầu phải được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu.
  • Thông qua chấp thuận nhà đầu tư thì chủ thể này có thể trở thành nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư.

Luật đầu tư năm 2020 đã quy định nội dung về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư thông qua các hình thức trên một cách trực tiếp và rõ nét. Qua đó, các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế có thể nắm được trình tự thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư theo các trình tự sau:

(1) Đối với hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án đầu tư

  • Phải có chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua một trong hai phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án đầu tư.

(2) Đối với hình thức chấp thuận nhà đầu tư, có hai trường hợp như sau:

  • Trường hợp 1: Thực hiện việc chấp thuận nhà đầu tư sau khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu (quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật đầu tư 2020)
    • Phải có thẩm quyền chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    • Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua một trong hai phương thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án đầu tư.
    • Sau khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật đấu thầu thì thực hiện chấp thuận nhà đầu tư đó.
  • Trường hợp 2: Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với việc chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đầu tư ( quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật đầu tư 2020)
    • Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng theo quy định của pháp luật về đất đai.
    • Nhà đầu tư nhân chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
    • Nhà nước đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
    • Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.
  1. Thay đổi thuật ngữ

Thay đổi thuật ngữ liên quan đến chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điểm mới đáng chú ý của Luật đầu tư 2020 trong Mục 2 về Chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đó là đã thay thế thuật ngữ “quyết định chủ trương đầu tư” trong Luật đầu tư 2014 thành thuật ngữ “chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Sự thay đổi này là biện pháp tháo gỡ điểm tắc nghẽn trong quá trình thực hiện những quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật đầu tư 2014. Theo đó khái niệm chấp thuận chủ trương đầu tư tại Khoản 1 Điều 3 để làm rõ mục đích, bản chất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đồng thời, sửa đổi khái niệm tương ứng tại các điều khoản có liên quan.

Cụ thể chấp thuận chủ trương đầu tư là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về mục tiêu, địa điểm, tiến độ và các điều kiện khác nhằm bảo đảm việc thực hiện dự án đầu tư  để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Đây là những điểm mới mà các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân cần lưu ý trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Vì những thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các văn bản trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như thủ tục hành chính khác trong quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư./.

Đánh giá bài viết