2 căn cứ xác định địa điểm mở thừa kế

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể địa điểm mở thừa kế dưới góc độ định nghĩa mà chỉ đưa ra hai căn cứ để xác định địa điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, có thể hiểu bản chất của địa điểm mở thừa kế là nơi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc dịch chuyển di sản của một người đã chết cho những người còn sống.

Căn cứ vào thực tiễn cho thấy, địa điểm mở thừa kế là nơi:

  • Xác định Toà án nào có thẩm quyền giải quyết việc thừa kế khi có tranh chấp xảy ra;
  • Thực hiện việc quản lý di sản, xác định cơ quan có thẩm quyền quản lý di sản của người chết trong trường hợp chưa có người quản lý; kiểm kê di sản trong trường hợp cần thiết để ngăn chặn việc phân tán, chiếm đoạt tài sản trong khối di sản;
  • Thực hiện các thủ tục liên quan đến di sản như khai báo, thống kê các tài sản thuộc di sản của người chết, cho dù tài sản được để lại ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều phải khai báo, thống kê tại nơi có địa điểm mở thừa kế;
  • Việc từ chối nhận di sản của người thừa kế phải được thông báo cho cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế.

Khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định địa điểm mở thừa kế:

(1) là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; hoặc

(2) là nơi có toàn bộ di sản hay nơi có phần lớn di sản là căn cứ để xác định địa điểm mở thừa kế trong trường hợp không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản.

Xác định địa điểm mở thừa kế theo nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản

Căn cứ đầu tiên và chủ yếu để xác định địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản.

Điều 40 BLDS 2015 quy định:

  1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
  2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

Điều 11 Luật cư trú năm 2020 quy định:

  1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
  2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

Điều 19 Luật cư trú năm 2020 quy định:

  1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trúvànơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trưng hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Như vậy, với các quy định pháp luật nêu trên thì địa điểm mở thừa kế theo nơi cư trú cuối cùng được xác định như sau:

  • Đối với cá nhân chỉ sống và chết tại một nơi cố định thì địa điểm mở thừa kế của người đó là nơi họ đã sống.
  • Đối với cá nhân đã đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đồng thời đã tạm trú ở nhiều nơi thì địa điểm mở thừa kế vẫn được xác định tại nơi người đó đã đăng ký hộ khẩu thường trú dù họ đã chết tại nơi đang tạm trú hoặc ở bất kỳ nơi nào.
  • Đối với cá nhân mà không có hộ khẩu thường trú ở nơi nào nhưng họ có nhiều nơi tạm trú khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định ở nơi họ đang tạm trú mà đã chết.
  • Đối với cá nhân đã từng đăng ký hộ khẩu thường trú ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi họ đang có hộ khẩu thường trú.

Xác định địa điểm mở thừa kế theo nơi có tài sản của người chết

Trong trường hợp không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thì địa điểm mở thừa kế được xác định theo nơi có tài sản của người chết. Cụ thể:

  • Nếu người chết chỉ để lại tài sản ở một nơi thì địa điểm mở thừa kế là nơi có tài sản của của họ;
  • Nếu người chết để lại tài sản ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi người đó để lại phần lớn tài sản của mình;

Lưu ý:

  • Pháp luật hiện hành chưa dự liệu đến trường hợp một người để lại tài sản ở nhiều nơi mà tài sản ở các nơi đều bằng nhau, vì trên thực tế rất hiếm khi trường hợp này xảy ra.
  • Còn nếu trường hợp này xảy ra, thì địa điểm mở thừa kế là nơi có tài sản của người chết. Thẩm quyền của Toà án khi có tranh chấp về thừa kế xảy ra thì tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó:
    • Toà án tại nơi có bất động sản sẽ giải quyết tranh chấp về thừa kế liên quan đến bất động sản.
    • Nếu tài sản thừa kế chỉ là các động sản thì thẩm quyền của toà án được xác định theo nơi cư trú của nguyên đơn hoặc bị đơn.
5/5 - (1 vote)
0965.67.9698